Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

Tranh Lê Thị Kim Bạch: Lắng nghe cọ...thở

Triển lãm tranh Lê Thị Kim Bạch:
Lắng nghe cọ... thở

Không gấp gáp, dữ dội. Không cuồng nhiệt, ồn ào. Tranh của bà, những nét vẽ điềm tĩnh, gợi và hút người xem bằng những đưòng nét tinh tế, gọn và sâu. Xem tranh và lắng nghe cọ…thở để cảm nhận những điều nữ hoạ sĩ gửi gắm trong hành trình đeo đuổi với niềm đam mê vẽ. Trở về TP.HCM, nữ hoạ sĩ Lê Thị Kim Bạch mang theo món quà tri ân quê hương đã sinh ra mình bằng cuộc triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM( từ 22/7-22/8), sau những năm tháng ngựơc xuôi tìm chất liệu sáng tác.

1. Có thể gọi bà là lão hoạ sĩ vì bà đã bứơc vào tuổi 70. Nhưng sẽ hợp lí hơn khi gọi bà là nữ hoạ sĩ thôi, bởi cái chất sôi nổi, mạnh mẽ trong mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm của bà vẫn rất trẻ trung và đầy nhiệt huyết như buổi đầu háo hức “làm quen” với cọ. Xem, cảm nhận, để thấy ở cái tuổi của mình, bà còn dằng díu với cọ, màu nhiều lắm.
180 bức tranh xoay vòng theo những gian phòng trưng bày của Bảo tàng mỹ thuật. Và xoay vòng cảm xúc. Chỉ với tên và những gì thể hiện qua tác phẩm, mỗi bức tranh hay bản kí hoạ đều gửi gắm những lời nhắn nhủ. Góc phòng này là những khuôn mặt muôn vẻ, sắc thái, từ trang phục đến nét mặt, dáng dấp trong mỗi bức vẽ chân dung. Mỗi gương mặt, sắc phục đều ẩn chứa những bí mật và cá tính để không hao hao như nhau, không nhàm chán, để ai đó có những cái nhíu mày khám phá. Dù là chân dung của cô gái Á Đông kín đáo, dịu dàng hay người phụ nữ phương Tây trầm tư, quý phái đều phảng phất những nét riêng, chung đầy mỹ cảm. Góc khác là hình khối, đường nét của thiên nhiên, tĩnh vật. Lắng trong cái im ắng của những bức tranh tĩnh vật như: “Hoa tàn”, “Hoa và quả”, “Cọ và hoa” để nghe từng tiếng rơi nghiêng, rất nhẹ và mong manh của “hoa tàn”, nghe như có tiếng thì thầm, giao cảm giữa cọ và hoa, vẻ đẹp dung dị, giao hoà của hoa, trái.
Có những thanh âm, hình khối đầy vẻ ưu tư, khắc khổ trên những khuôn mặt người, trong dáng dấp của cây cỏ, thiên nhiên. Bởi từ khi “thai nghén” tới lúc ra đời tác phẩm của mình, nữ hoạ sĩ phải chắt chiu, góp nhặt những xúc cảm từ những hình dung, trải nghiệm về nhân vật, hình khối muốn thể hiện. Trong một lần đi đảo Cát Bà, trong khoảng sân của khách sạn Hải Quân có một thân cây cháy xém, nghiêng ngả vì bị sét đánh đêm trước. Và với những nét chì “ghi nhanh” qua bản kí hoạ, nữ hoạ sĩ đã hoàn chỉnh bản phác hoạ thành bức tranh : “Vũ điệu thiên nhiên” - dường như là điệu múa của người thiếu nữ: mỏng manh, run rẩy nhưng không yếu đuối bởi đã trải nghiệm qua những khúc thăng, trầm từ cuộc sống.
2.Trên những chặng đường hành quân giữa hai cuộc chiến tranh bi tráng của dân tộc, là hình ảnh phút nghỉ ngơi hay giờ tập trận của những chiến sĩ đặc công. Thấp thoáng ở một miền quê nào đó, cậu bé với khát khao: trở thành anh bộ đội, cũng mũ tai bèo, áo giải phóng quân…Cái ôm siết của người đàn bà khi gặp lại cố nhân đan xen trong dáng đứng thẫn thờ của người mẹ ngóng con và một người đàn bà khác lặng im bên ngôi mộ trắng khi chiến tranh đã đi qua…
Một đời chênh chao với cọ, trong mỗi tác phẩm của nữ hoạ sĩ đều ẩn chứa nỗi hoài niệm, gợi nhắc cố hương. Con người, cảnh vật ở Bà Điểm (Hóc Môn), mảnh đất quê luôn nhắc nhớ Lê Thị Kim Bạch trong mỗi lần đặt cọ lên giá vẽ. Và đó cũng là lời tri ân mà bà gửi tới đất quê khi xa cách. Đó là khung cảnh tấp nập, đầm ấm của buổi họp chợ rất đặc trưng của Nam Bộ đa sắc thái, của những tà áo bà ba, những chiếc xe thổ mộ nghiêng nghiêng trong buổi chợ ngày nào. Không thể lướt qua những bức tranh dù là sơn dầu, tranh lụa hay bức kí hoạ bằng chì cái dáng vẻ đằm thắm hồn hậu của người phụ nữ. Khi là cái buồn bâng quơ trên khuôn mặt người thiếu phụ. Khi là vẻ dịu dàng, nồng hậu của “Tình mẹ” với con…
Có khi, cả tháng nữ hoạ sĩ không vẽ được bức hoạ nào, nhưng cũng có lúc vẽ như chạy đua với thời gian, vẽ ngay cả khi nghe mùi cơm…cháy, quay vào tắt bếp rồi lại ra vẽ tiếp. Ở cả nơi đi, về, dù là ngôi nhà ở đường Quán Sứ, Hà Nội hay ngôi nhà trong một góc phố của Sài thành đều ăm ắp những bức tranh còn dang dở đang chờ nữ hoạ sĩ chắp cọ.
Box: “Kim Bạch là một hoạ sĩ miền Nam trưởng thành và thành công trên đất Bắc XHCN...Với con mắt Á Đông và kỹ thuật biểu hiện Châu Âu, Kim bạch là người thành công bậc nhất trong vẽ chân dung người nước ngoài. Điều tưởng đơn giản này không dễ với bất kì hoạ sĩ nào. Những người Nga, Ả Rập, Phi Châu và Đông Âu hiện lên trong tranh bà đầy tính cách cá nhân, vừa như anh em trong nhà vừa như những vị khách quý! Tôi đã được đi vẽ cùng bà trên công trường thuỷ điện Sông Đà và chứng kiến sự trầm trồ của các chuyên gia Liên Xô với các tác phẩm của nữ hoạ sĩ.”.
Nguyễn Quân.

Không có nhận xét nào:

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....
28/7/07

Riêng một góc trời

Riêng một góc trời

Phố mùa đông....

Phố mùa đông....
Thành Nam Xuân 2007

Giàn hoa giấy ngày xưa

Giàn hoa giấy ngày xưa