Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

Tranh xé dán: Miền quê khô khát- Tranh LCĐ


Lâm Chiêu Đồng: Thăng hoa từ…giấy vụn

Gã cười cười bảo: “ Nhà tui không số, phố không tên, cái biển số xe đi cả chục năm nay mà không nhớ…”. Thế nhưng, gần chục năm nay, trong căn phòng trọ bừa bộn đồ dùng, giấy vụn ở một con đường quả thật không tên của thị xã Vĩnh Long, có một gã hoạ sĩ “gàn” lại miệt mài biến giấy vụn thành…tranh. Hắn tự xưng mình là kẻ rong ruổi, ham vui với đam mê đưa đồng nát lên…tầm nghệ thuật. Đó là “ bản tự thuật” của Lâm Chiêu Đồng, một trong những hoạ sĩ hiếm hoi còn trụ lại với lĩnh vực tranh dán giấy. Ai đó yêu quý những bức họa từ giấy của gã cũng trìu mến gọi gã bằng cái tên: Người giữ hồn cho tranh dán giấy.

Hoạ sĩ “đồng nát”

Ai bảo vẽ tranh cứ phải là cọ, là màu. Với Lâm Chiêu Đồng, bất kì thứ gì bỏ đi, vào tay gã là có thể thành…tranh. Từ tấm xốp vụn rơi rớt lại sau phiên chợ chiều, những tấm lịch cũ, tờ tạp chí, mảnh bìa bỏ đi… đem cân làm…giấy vụn, gã đều lượm lặt mang về chất đống đầy nhà một cách thích thú. Và gã cũng gắn luôn với cái danh xưng “ hoạ sĩ đồng nát” vì thế.
Máu nghệ thuật thấm dần trong gã từ những ngày còn là cậu học sinh trung học, bất kì thứ gì thích thú, bất kể thời gian nào không phải phụ giúp gia đình, gã đều mày mò bên giá vẽ. Bức tranh xé dán từ giấy vụn đầu tiên được hoàn thành vào năm 1985, Lâm Chiêu Đồng còn nhớ mãi, đó là bức vẽ về một miền quê bốn mùa nước nổi. Và cũng từ đó, tranh dán giấy gắn bó với gã như là “ con tằm vốn phải ươm tơ”.
Tự ví mình là thế nhưng gã cũng không khỏi ngậm ngùi: sau bức vẽ đầu tiên, cái vòng luẩn quẩn của áo cơm cuốn lấy gã và biến gã thành một ông chủ cửa hàng sản xuất thùng máy may sơn mài. Không chỉ Lâm Chiêu Đồng, những người bạn của gã ở cái phố chợ nhỏ cũng có thời gian dài phải quên cọ để bươn chải. Thế nhưng, gã bảo: “ Cái nghề như là nghiệp”. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cảm kích trước một người bạn luôn bên cạnh chăm sóc, gã đã xé dán tặng bạn hai bức tranh từ giấy vụn, và từ đó không sao dứt ra được. Đó là vào năm 2001, sau gần 20 năm bươn chải trong vòng xoay của cơm gạo, Lâm Chiêu Đồng đã thật sự trở lại với cái nghề mà gã gọi là “ nghiệp”.
Lí do để Lâm Chiêu Đồng gắn bó với nghệ thuật tranh dán giấy có vẻ như biến gã thành kẻ kĩ tính và “ ki bo” : “ Cái gì bỏ đi cũng tiếc!”. Giấy vụn, đồ đồng nát qua bàn tay khéo léo, tỉ mẫn tới mức có vẻ như khắt khe của gã có thể trở thành những cánh rừng nổi giữa bốn bề nước rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, có khi thành tượng, thành hoa, thành đá cuội…thô mộc mà như được thổi vào đó hơi thở của cuộc sống ở nhiều góc cạnh.

“ Chơi” bằng đam mê

Gần 10 năm, gia tài mà gã hoạ sĩ “ gàn” tích cóp được là hơn 100 bức tranh dán giấy. Gã xé, dán chứ không cắt, dán. Từng đường gân lá cần phải được tỉ mẫn, chắt chiu thì mới thành hình. Ngôi nhà thuê ở con đường không tên của thị xã Vĩnh Long vừa là nơi ở, vừa là cửa hàng đồ gỗ cũ mua về sơn sửa lại rồi bán, và là nơi gã thực hiện ước mơ đưa đồng nát lên…tầm nghệ thuật. Giữa những thứ lỉnh kỉnh, bừa bộn, gã có thể ngồi đồng cả ngày để xé, dán.
Những bức họa từ giấy vụn luôn thấp thoáng hình ảnh miền quê bốn mùa nước nổi – Vĩnh Long, quê hương thứ 2 của Lâm Chiêu Đồng (gã vốn là người gốc Hoa- NV). Điểm nhấn của mỗi bức tranh dán giấy mà gã luôn chăm chút, dành những yêu thương đằm thắm là bóng dáng người phụ nữ với đôi quang gánh trong những phiên chợ chiều. Gã bộc bạch: “ Xưa là mẹ, là chị, giờ là người vợ hiền tảo tần sớm chiều vẫn luôn ủng hộ cái thú rong chơi của mình…”
Như lời tự thuật, cái danh xưng hoạ sĩ với Lâm Chiêu Đồng cũng như một cuộc chơi, nhưng là “ chơi” bằng niềm đam mê máu thịt. Gần chục giải thưởng của Hội Mỹ Thuật khu vực ĐBSCL và Hội Mỹ Thuật Việt Nam mà Lâm Chiêu Đồng tích cóp được như là chất kích thích để gã tiếp tục niềm đam mê sáng tác. Một bức hoạ bằng tranh dán giấy dù lớn dù nhỏ đều đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ ở ý đồ thể hiện mà còn là sự kiên trì, tỉ mẫn. Có những mảng màu, hình khối nếu dùng cọ, màu sẽ đơn giản hơn, ví như bức tranh “ Vệt khói sau cùng”, Lâm Chiêu Đồng muốn thể hiện sự đối lập giữa 2 khoảnh rừng, một đã cháy rụi, một tuy còn nguyên nhưng đã bắt đầu xuất hiện những vệt khói của đám cháy lớn. Để thể hiện ý tưởng đó, gã phải “ ngồi đồng “ cả ngày chỉ để xé, dán những mảnh giấy vụn đang nhạt dần sao cho khói đúng là…khói.
Trong các cuộc triển lãm tranh dán giấy, ngoài những tác phẩm thể hiện nhiều góc cạnh của cuộc sống như “ Xuân ca”, “ Hạ ca”, tranh tĩnh vật hay cảnh thiên nhiên ĐBSCL, Lâm Chiêu Đồng luôn có những tác phẩm về đề tài môi trường. Trong đó, nổi bật là các bức họa: “ Quê Hương còn mãi màu xanh” được giải nhất triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL năm 2001, “ Miền quê khô khát”, giải nhất triển lãm Mỹ thuật 13 tỉnh ĐBSCL, giải tặng thưởng toàn quốc 2005. Gã lí giải: “ Dẫu là ngao du thì cũng phải có điểm đến, tôi muốn gửi một thông điệp của mình qua mỗi tác phẩm, lớn lên từ bốn phía là cỏ cây, giờ thấy cỏ cây trơ trụi, xót xa lắm…”. Và ngay như cái cách “ chơi ngông” - chọn con đường sáng tác bằng những thứ bỏ đi, Lâm Chiêu Đồng cũng muốn gửi tới mọi người lời kêu cứu của môi trường.
Hết ví mình giống như “ con tằm sống phải ươm tơ”, gã lại bảo: “Được vẽ là một đặc ân…”. Và mỗi ngày, bên trong căn phòng chỉ rộng chừng 12m2 ở một con đường không tên của thị xã Vĩnh Long, có một gã hoạ s ĩ “gàn” vẫn miệt mài xé, dán…

Box: Hoạ sĩ Hồ Hoàng Đài, hội viên Hội Mỹ Thuật TP.HCM :
“ Giống như những tác phẩm bằng các chất liệu khác ( sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ…), tranh xé dán giấy phải lột tả được sự phô diễn có tính thẩm mỹ, khiến người xem cảm nhận được không chỉ ý đồ của người nghệ sĩ mà còn có những ý tưởng mới, phản hồi lại người nghệ sĩ – Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ khi sáng tác. Ở các Galary, hiếm và thậm chí là không thể kiếm được một bức tranh xé dán giấy. Có lẽ, sự tỉ mẫn, kĩ lưỡng của người hoạ sĩ ở mỗi tác phẩm xé dán giấy không thể đuổi kịp cuộc chạy đua theo yêu cầu của các Galary. Tranh xé dán giấy, vì thế mà còn xa lạ với quần chúng…”.

Không có nhận xét nào:

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....
28/7/07

Riêng một góc trời

Riêng một góc trời

Phố mùa đông....

Phố mùa đông....
Thành Nam Xuân 2007

Giàn hoa giấy ngày xưa

Giàn hoa giấy ngày xưa