Thứ Ba, 31 tháng 7, 2007

thơ Đặng Vương Hưng



Đi tìm

Tôi đi về phía gió sương
Nửa đời dằng dặc con đường vẫn xa
Tôi đi về phía phồn hoa
Nửa đời mới thấy hóa ra mình nhầm
Tôi đi về phía âm thầm
Nửa đời nước mắt ướt đầm trang thơ
Tôi đi về phía mộng mơ
Nửa đời như vẫn đang chờ đợi ai
Tôi đi về phía ban mai
Nửa đời mới biết đêm dài bao nhiêu...

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

Khi đàn ông khóc



Khi đàn ông khóc

Khi đàn ông khóc âm thầm
Là khi đắng nghẹn tím bầm ruột gan
Tiếng cười đứt hết dây đàn
Lời ca như rượu chảy tràn trên môi.
Khi đàn ông khóc thành lời
Là khi đau khổ rối bời trong tim
Vỡ òa – không thể lặng im
Bao nhiêu nước mắt chết chìm mộng mơ
Khi đàn ông khóc thành thơ
Hồn người hóa đá đợi chờ trăm năm...

Những nét vẽ không tên ( Thơ ĐVH)

Một nét vẽ thành ban mai
Hai nét vẽ giống mắt ai vô hồn
Ba nét vẽ đã hoàng hôn
Bốn nét vẽ đêm bồn chồn trong ta
Năm nét vẽ đất nở hoa
Sáu nét vẽ chảy hiền hòa dòng sông
Bảy nét vẽ cứ bão giông
Tám nét vẽ thấy cầu vồng hiện lên...
Bao nhiêu nét vẽ không tên
Bấy nhiêu chua chát trên nền đắng cay
Bấy nhiêu đêm, bấy nhiêu ngày
Bấy nhiêu nước mắt trưng bày trong tranh.

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

ngẫu hứng với hoa



Xin mặt trời ngủ yên...

Em còn nhớ, hay em đã quên



Em còn nhớ, hay em đã quên
...Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân...
bước bên em vòm lá me xanh

Tranh Lê Thị Kim Bạch: Lắng nghe cọ...thở

Triển lãm tranh Lê Thị Kim Bạch:
Lắng nghe cọ... thở

Không gấp gáp, dữ dội. Không cuồng nhiệt, ồn ào. Tranh của bà, những nét vẽ điềm tĩnh, gợi và hút người xem bằng những đưòng nét tinh tế, gọn và sâu. Xem tranh và lắng nghe cọ…thở để cảm nhận những điều nữ hoạ sĩ gửi gắm trong hành trình đeo đuổi với niềm đam mê vẽ. Trở về TP.HCM, nữ hoạ sĩ Lê Thị Kim Bạch mang theo món quà tri ân quê hương đã sinh ra mình bằng cuộc triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM( từ 22/7-22/8), sau những năm tháng ngựơc xuôi tìm chất liệu sáng tác.

1. Có thể gọi bà là lão hoạ sĩ vì bà đã bứơc vào tuổi 70. Nhưng sẽ hợp lí hơn khi gọi bà là nữ hoạ sĩ thôi, bởi cái chất sôi nổi, mạnh mẽ trong mỗi câu chuyện, mỗi tác phẩm của bà vẫn rất trẻ trung và đầy nhiệt huyết như buổi đầu háo hức “làm quen” với cọ. Xem, cảm nhận, để thấy ở cái tuổi của mình, bà còn dằng díu với cọ, màu nhiều lắm.
180 bức tranh xoay vòng theo những gian phòng trưng bày của Bảo tàng mỹ thuật. Và xoay vòng cảm xúc. Chỉ với tên và những gì thể hiện qua tác phẩm, mỗi bức tranh hay bản kí hoạ đều gửi gắm những lời nhắn nhủ. Góc phòng này là những khuôn mặt muôn vẻ, sắc thái, từ trang phục đến nét mặt, dáng dấp trong mỗi bức vẽ chân dung. Mỗi gương mặt, sắc phục đều ẩn chứa những bí mật và cá tính để không hao hao như nhau, không nhàm chán, để ai đó có những cái nhíu mày khám phá. Dù là chân dung của cô gái Á Đông kín đáo, dịu dàng hay người phụ nữ phương Tây trầm tư, quý phái đều phảng phất những nét riêng, chung đầy mỹ cảm. Góc khác là hình khối, đường nét của thiên nhiên, tĩnh vật. Lắng trong cái im ắng của những bức tranh tĩnh vật như: “Hoa tàn”, “Hoa và quả”, “Cọ và hoa” để nghe từng tiếng rơi nghiêng, rất nhẹ và mong manh của “hoa tàn”, nghe như có tiếng thì thầm, giao cảm giữa cọ và hoa, vẻ đẹp dung dị, giao hoà của hoa, trái.
Có những thanh âm, hình khối đầy vẻ ưu tư, khắc khổ trên những khuôn mặt người, trong dáng dấp của cây cỏ, thiên nhiên. Bởi từ khi “thai nghén” tới lúc ra đời tác phẩm của mình, nữ hoạ sĩ phải chắt chiu, góp nhặt những xúc cảm từ những hình dung, trải nghiệm về nhân vật, hình khối muốn thể hiện. Trong một lần đi đảo Cát Bà, trong khoảng sân của khách sạn Hải Quân có một thân cây cháy xém, nghiêng ngả vì bị sét đánh đêm trước. Và với những nét chì “ghi nhanh” qua bản kí hoạ, nữ hoạ sĩ đã hoàn chỉnh bản phác hoạ thành bức tranh : “Vũ điệu thiên nhiên” - dường như là điệu múa của người thiếu nữ: mỏng manh, run rẩy nhưng không yếu đuối bởi đã trải nghiệm qua những khúc thăng, trầm từ cuộc sống.
2.Trên những chặng đường hành quân giữa hai cuộc chiến tranh bi tráng của dân tộc, là hình ảnh phút nghỉ ngơi hay giờ tập trận của những chiến sĩ đặc công. Thấp thoáng ở một miền quê nào đó, cậu bé với khát khao: trở thành anh bộ đội, cũng mũ tai bèo, áo giải phóng quân…Cái ôm siết của người đàn bà khi gặp lại cố nhân đan xen trong dáng đứng thẫn thờ của người mẹ ngóng con và một người đàn bà khác lặng im bên ngôi mộ trắng khi chiến tranh đã đi qua…
Một đời chênh chao với cọ, trong mỗi tác phẩm của nữ hoạ sĩ đều ẩn chứa nỗi hoài niệm, gợi nhắc cố hương. Con người, cảnh vật ở Bà Điểm (Hóc Môn), mảnh đất quê luôn nhắc nhớ Lê Thị Kim Bạch trong mỗi lần đặt cọ lên giá vẽ. Và đó cũng là lời tri ân mà bà gửi tới đất quê khi xa cách. Đó là khung cảnh tấp nập, đầm ấm của buổi họp chợ rất đặc trưng của Nam Bộ đa sắc thái, của những tà áo bà ba, những chiếc xe thổ mộ nghiêng nghiêng trong buổi chợ ngày nào. Không thể lướt qua những bức tranh dù là sơn dầu, tranh lụa hay bức kí hoạ bằng chì cái dáng vẻ đằm thắm hồn hậu của người phụ nữ. Khi là cái buồn bâng quơ trên khuôn mặt người thiếu phụ. Khi là vẻ dịu dàng, nồng hậu của “Tình mẹ” với con…
Có khi, cả tháng nữ hoạ sĩ không vẽ được bức hoạ nào, nhưng cũng có lúc vẽ như chạy đua với thời gian, vẽ ngay cả khi nghe mùi cơm…cháy, quay vào tắt bếp rồi lại ra vẽ tiếp. Ở cả nơi đi, về, dù là ngôi nhà ở đường Quán Sứ, Hà Nội hay ngôi nhà trong một góc phố của Sài thành đều ăm ắp những bức tranh còn dang dở đang chờ nữ hoạ sĩ chắp cọ.
Box: “Kim Bạch là một hoạ sĩ miền Nam trưởng thành và thành công trên đất Bắc XHCN...Với con mắt Á Đông và kỹ thuật biểu hiện Châu Âu, Kim bạch là người thành công bậc nhất trong vẽ chân dung người nước ngoài. Điều tưởng đơn giản này không dễ với bất kì hoạ sĩ nào. Những người Nga, Ả Rập, Phi Châu và Đông Âu hiện lên trong tranh bà đầy tính cách cá nhân, vừa như anh em trong nhà vừa như những vị khách quý! Tôi đã được đi vẽ cùng bà trên công trường thuỷ điện Sông Đà và chứng kiến sự trầm trồ của các chuyên gia Liên Xô với các tác phẩm của nữ hoạ sĩ.”.
Nguyễn Quân.

Ngu...nga...ngu...ngơ

Một chiều vá áo bên đường
Ngày mai hóa kiếp vô thường. Ai
hay?!

triết lí với...nến



Cả đời trải lắm đắng cay
Cuối cùng vẫn hỏi: Chết rồi, đi đâu?

Thơ thẩn dạo...nghĩa trang - TPHCM - 28/7/07



Đi đâu thì mặc đi đâu
Miễn rằng giữ lẽ đạo trời tự nhiên…

Lâm Chiêu Đồng: Thăng hoa từ ...giấy vụn

Tranh xé dán: Miền quê khô khát- Tranh LCĐ


Lâm Chiêu Đồng: Thăng hoa từ…giấy vụn

Gã cười cười bảo: “ Nhà tui không số, phố không tên, cái biển số xe đi cả chục năm nay mà không nhớ…”. Thế nhưng, gần chục năm nay, trong căn phòng trọ bừa bộn đồ dùng, giấy vụn ở một con đường quả thật không tên của thị xã Vĩnh Long, có một gã hoạ sĩ “gàn” lại miệt mài biến giấy vụn thành…tranh. Hắn tự xưng mình là kẻ rong ruổi, ham vui với đam mê đưa đồng nát lên…tầm nghệ thuật. Đó là “ bản tự thuật” của Lâm Chiêu Đồng, một trong những hoạ sĩ hiếm hoi còn trụ lại với lĩnh vực tranh dán giấy. Ai đó yêu quý những bức họa từ giấy của gã cũng trìu mến gọi gã bằng cái tên: Người giữ hồn cho tranh dán giấy.

Hoạ sĩ “đồng nát”

Ai bảo vẽ tranh cứ phải là cọ, là màu. Với Lâm Chiêu Đồng, bất kì thứ gì bỏ đi, vào tay gã là có thể thành…tranh. Từ tấm xốp vụn rơi rớt lại sau phiên chợ chiều, những tấm lịch cũ, tờ tạp chí, mảnh bìa bỏ đi… đem cân làm…giấy vụn, gã đều lượm lặt mang về chất đống đầy nhà một cách thích thú. Và gã cũng gắn luôn với cái danh xưng “ hoạ sĩ đồng nát” vì thế.
Máu nghệ thuật thấm dần trong gã từ những ngày còn là cậu học sinh trung học, bất kì thứ gì thích thú, bất kể thời gian nào không phải phụ giúp gia đình, gã đều mày mò bên giá vẽ. Bức tranh xé dán từ giấy vụn đầu tiên được hoàn thành vào năm 1985, Lâm Chiêu Đồng còn nhớ mãi, đó là bức vẽ về một miền quê bốn mùa nước nổi. Và cũng từ đó, tranh dán giấy gắn bó với gã như là “ con tằm vốn phải ươm tơ”.
Tự ví mình là thế nhưng gã cũng không khỏi ngậm ngùi: sau bức vẽ đầu tiên, cái vòng luẩn quẩn của áo cơm cuốn lấy gã và biến gã thành một ông chủ cửa hàng sản xuất thùng máy may sơn mài. Không chỉ Lâm Chiêu Đồng, những người bạn của gã ở cái phố chợ nhỏ cũng có thời gian dài phải quên cọ để bươn chải. Thế nhưng, gã bảo: “ Cái nghề như là nghiệp”. Sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cảm kích trước một người bạn luôn bên cạnh chăm sóc, gã đã xé dán tặng bạn hai bức tranh từ giấy vụn, và từ đó không sao dứt ra được. Đó là vào năm 2001, sau gần 20 năm bươn chải trong vòng xoay của cơm gạo, Lâm Chiêu Đồng đã thật sự trở lại với cái nghề mà gã gọi là “ nghiệp”.
Lí do để Lâm Chiêu Đồng gắn bó với nghệ thuật tranh dán giấy có vẻ như biến gã thành kẻ kĩ tính và “ ki bo” : “ Cái gì bỏ đi cũng tiếc!”. Giấy vụn, đồ đồng nát qua bàn tay khéo léo, tỉ mẫn tới mức có vẻ như khắt khe của gã có thể trở thành những cánh rừng nổi giữa bốn bề nước rất đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, có khi thành tượng, thành hoa, thành đá cuội…thô mộc mà như được thổi vào đó hơi thở của cuộc sống ở nhiều góc cạnh.

“ Chơi” bằng đam mê

Gần 10 năm, gia tài mà gã hoạ sĩ “ gàn” tích cóp được là hơn 100 bức tranh dán giấy. Gã xé, dán chứ không cắt, dán. Từng đường gân lá cần phải được tỉ mẫn, chắt chiu thì mới thành hình. Ngôi nhà thuê ở con đường không tên của thị xã Vĩnh Long vừa là nơi ở, vừa là cửa hàng đồ gỗ cũ mua về sơn sửa lại rồi bán, và là nơi gã thực hiện ước mơ đưa đồng nát lên…tầm nghệ thuật. Giữa những thứ lỉnh kỉnh, bừa bộn, gã có thể ngồi đồng cả ngày để xé, dán.
Những bức họa từ giấy vụn luôn thấp thoáng hình ảnh miền quê bốn mùa nước nổi – Vĩnh Long, quê hương thứ 2 của Lâm Chiêu Đồng (gã vốn là người gốc Hoa- NV). Điểm nhấn của mỗi bức tranh dán giấy mà gã luôn chăm chút, dành những yêu thương đằm thắm là bóng dáng người phụ nữ với đôi quang gánh trong những phiên chợ chiều. Gã bộc bạch: “ Xưa là mẹ, là chị, giờ là người vợ hiền tảo tần sớm chiều vẫn luôn ủng hộ cái thú rong chơi của mình…”
Như lời tự thuật, cái danh xưng hoạ sĩ với Lâm Chiêu Đồng cũng như một cuộc chơi, nhưng là “ chơi” bằng niềm đam mê máu thịt. Gần chục giải thưởng của Hội Mỹ Thuật khu vực ĐBSCL và Hội Mỹ Thuật Việt Nam mà Lâm Chiêu Đồng tích cóp được như là chất kích thích để gã tiếp tục niềm đam mê sáng tác. Một bức hoạ bằng tranh dán giấy dù lớn dù nhỏ đều đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ ở ý đồ thể hiện mà còn là sự kiên trì, tỉ mẫn. Có những mảng màu, hình khối nếu dùng cọ, màu sẽ đơn giản hơn, ví như bức tranh “ Vệt khói sau cùng”, Lâm Chiêu Đồng muốn thể hiện sự đối lập giữa 2 khoảnh rừng, một đã cháy rụi, một tuy còn nguyên nhưng đã bắt đầu xuất hiện những vệt khói của đám cháy lớn. Để thể hiện ý tưởng đó, gã phải “ ngồi đồng “ cả ngày chỉ để xé, dán những mảnh giấy vụn đang nhạt dần sao cho khói đúng là…khói.
Trong các cuộc triển lãm tranh dán giấy, ngoài những tác phẩm thể hiện nhiều góc cạnh của cuộc sống như “ Xuân ca”, “ Hạ ca”, tranh tĩnh vật hay cảnh thiên nhiên ĐBSCL, Lâm Chiêu Đồng luôn có những tác phẩm về đề tài môi trường. Trong đó, nổi bật là các bức họa: “ Quê Hương còn mãi màu xanh” được giải nhất triển lãm Mỹ thuật khu vực ĐBSCL năm 2001, “ Miền quê khô khát”, giải nhất triển lãm Mỹ thuật 13 tỉnh ĐBSCL, giải tặng thưởng toàn quốc 2005. Gã lí giải: “ Dẫu là ngao du thì cũng phải có điểm đến, tôi muốn gửi một thông điệp của mình qua mỗi tác phẩm, lớn lên từ bốn phía là cỏ cây, giờ thấy cỏ cây trơ trụi, xót xa lắm…”. Và ngay như cái cách “ chơi ngông” - chọn con đường sáng tác bằng những thứ bỏ đi, Lâm Chiêu Đồng cũng muốn gửi tới mọi người lời kêu cứu của môi trường.
Hết ví mình giống như “ con tằm sống phải ươm tơ”, gã lại bảo: “Được vẽ là một đặc ân…”. Và mỗi ngày, bên trong căn phòng chỉ rộng chừng 12m2 ở một con đường không tên của thị xã Vĩnh Long, có một gã hoạ s ĩ “gàn” vẫn miệt mài xé, dán…

Box: Hoạ sĩ Hồ Hoàng Đài, hội viên Hội Mỹ Thuật TP.HCM :
“ Giống như những tác phẩm bằng các chất liệu khác ( sơn dầu, tranh lụa, tranh khắc gỗ…), tranh xé dán giấy phải lột tả được sự phô diễn có tính thẩm mỹ, khiến người xem cảm nhận được không chỉ ý đồ của người nghệ sĩ mà còn có những ý tưởng mới, phản hồi lại người nghệ sĩ – Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ khi sáng tác. Ở các Galary, hiếm và thậm chí là không thể kiếm được một bức tranh xé dán giấy. Có lẽ, sự tỉ mẫn, kĩ lưỡng của người hoạ sĩ ở mỗi tác phẩm xé dán giấy không thể đuổi kịp cuộc chạy đua theo yêu cầu của các Galary. Tranh xé dán giấy, vì thế mà còn xa lạ với quần chúng…”.

lơ ngơ như...T.My ở nghĩa trang.he

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2007

Trời không nắng cũng không mưa
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương....

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2007

Có khi nào trên đường đời tấp nập

Chiều nay Sài Gòn trở lạnh, tan sở nhỏ một mình đi về mà lòng nhớ anh quá! Cái tiết trời này nhỏ cũng bắt gặp nhiều lần nhưng có lẽ chưa bao giờ lại gieo vào lòng nhỏ nỗi buồn da diết đến thế.
Bao người qua mặt, bao xe bấm còi, nhỏ cứ lừng lững mà đi. Hai năm trước, nhỏ đã từng cười khì khi nghe người ta bảo “Có khi nào trên đường đời tấp nập, ta vô tình đi lướt qua nhau…”. Vậy mà bây giờ nhỏ mới cảm nhận được hết ý nghĩa của nó. Từ khi chuyển công ty, nhỏ đã không được gặp anh nữa, không được nghe anh trêu chọc hay cùng nhỏ tâm sự buồn vui. Thỉnh thoảng nhỏ nhận tin nhắn anh gửi “Khỏe không bé? Nghỉ có nhớ anh không?”.
Nhỏ cứ đọc tin nhắn ấy mãi, giữ lại mà không xoá, có lẽ anh cũng nhớ nhỏ nên mới hỏi vậy…Vài lần hẹn với anh đi uống cà phê, nhưng cuối cùng nhỏ đều có chuyện không đến được. Chắc anh nghĩ nhỏ không thích anh. Bặt tăm. “Anh sắp xa Sài Gòn rồi, đi Nhật, hai năm nữa anh về”. Cái tin nhắn ngắn vậy nhưng đã làm nhỏ buồn mãi. Chắc anh đâu biết rằng, đã bao buổi chiều rồi, nhỏ cứ cầm điện thoại lên, nắn nót “Anh rảnh không, uống cà phê với em nhé”, cuối cùng nhỏ lại không gửi.
Như buổi chiều nay, nhỏ lại một mình lang thang trên phố, ừ nhỉ, “có khi nào trên đường đời tấp nập, ta vô tình đi lướt qua nhau?...”.

Linh Văn.

Những bà mẹ ve chai

Những bà mẹ ve chai…

Ngày 6.6.2007, một nhóm những người nhập cư sống bằng nghề thu mua ve chai đã cùng nhau lập quỹ “ Những người mua ve chai” ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương số 17/15/11A đường Gò Dầu, quận Tân Phú Tp.HCM. Mỗi tháng, tuỳ theo thu nhập của mỗi ngưòi, họ góp vào quỹ khi từ 2000đ trở lên, bất kì lúc nào rảnh, họ lại tạt qua, nựng nịu và chăm sóc những “đứa con” đỡ đầu của mình…

Cứ sáng sáng, ở trung tâm Nhân Đạo Quê Hương lại rộn rã tiếng cười nói, những đứa trẻ từ sơ sinh tới 7-8 tháng tuổi lần lượt được các “ mẹ” ôm ấp, nựng nịu và cho bú sữa. Tranh thủ lúc sáng sớm, lúc thì vài ba người, khi thì cả chục người thu mua ve chai, các chị qua chơi với các bé một lúc rồi lại tất tả đạp xe đi làm. Ý tưởng thành lập Quỹ do cô Huỳnh Tiểu Hương, giám đốc Trung tâm nghĩ ra, nhưng chính sự nhiệt tình của các “ bà mẹ” ve chai này là nguyên nhân khiến cô muốn tạo sự kết nối giữa họ và các bé.
Có những bà mẹ ve chai đỡ đầu cho các bé suốt 7 năm nay.
Chị Nhi, “ bà mẹ” ve chai lâu năm nhất của Trung tâm Nhân đạo Quê Hương bộc bạch: “ Hồi đầu mới đi qua đây, tôi và mấy chị em cứ ngỡ đây là nhà trẻ, không dám vào, chỉ đứng ở ngoài nhìn vào, lúc gặp chị Hương, nói chuyện vài lần, biết là được vào chơi với các cháu, thế mà quen chân, ngày nào cũng phải qua…”. Mấy chị khác ngồi gần chị Nhi cũng xúm vào góp chuyện: “ Nhìn bọn trẻ cũng trạc tuổi con mình, nhớ lắm…”. Hàng ngày đi làm, các chị lại truyền tai nhau, vậy là các bé ở trung tâm mỗi ngày lại có thêm những bà mẹ mới. Nhóm lâu năm nhất thường xuyên qua trung tâm chỉ có hơn 10 người, suốt 7 năm, cứ sáng sớm hay mỗi buổi trưa, chiều tối, trước khi về nhà, bao giờ họ cũng phải tạt qua thăm các bé một lát. Bây giờ thì những “ bà mẹ ve chai” đã lên tới hơn 50 người.

Không chỉ chị Nhi, những cái tên “mẹ” Nga, “ mẹ” Phượng, “mẹ” Thuỷ ve chai đã trở nên quen thuộc với trung tâm. Trung tâm chỉ có 6 cô bảo mẫu mà phải chăm sóc hơn 30 bé từ sơ sinh tới 7-8 tháng tuổi nên rất cực, nhất là những cô bảo mẫu lại mới 17-18 tuổi, chưa có gia đình nên kinh nghiệm chăm sóc các bé chủ yếu là nhờ…sách. Có những bà mẹ ve chai, không chỉ đỡ tay bế ẵm, cho các bé bú bình mà còn là kho kinh nghiệm hấp dẫn để các cô bảo mẫu chăm sóc các bé. Nhìn những đứa trẻ nhỏ xíu, nằm, ngồi khắp sàn nhà, thiếu người chăm sóc, dỗ đứa này khóc chưa xong lại tới đứa khác, đặt được bé này nằm xuống một lát thì mấy bé khác lại khóc ầm lên, các cô bảo mẫu cũng muốn…khóc theo vì xoay không kịp. Có các mẹ đến, bé nào cũng được cưng, trong nhà chỉ còn tiếng nựng nịu của các mẹ và tiếng ê, a hóng chuyện của sắp nhỏ…
Các bà mẹ ve chai chỉ trạc tuổi từ 25 tới hơn 30, đa số đều có gia đình nhưng phải xa con để vào thành phố mưu sinh. Chị Nhi, quê ở Bắc Ninh, chị Phượng ở Thanh Hoá, chị Nga ở Quảng Ngãi…những bà mẹ ve chai mướn nhà ở rải rác khắp thành phố, thu nhập của họ chỉ từ 1-2 chục một ngày, có hôm về tay không. Những hôm chẳng thu mua ve chai được đồng nào, về nhà cũng chán, đi ngoài đường, thấy người ta đón đưa con cái đi học, lại nhớ con quay quắt, và những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trung tâm trở thành nơi an ủi, nơi những bà mẹ này dành tình thương của mình để quên đi những mệt nhọc hàng ngày.
Người đạp xe khắp Việt Nam để chống ma túy
TP - Người đàn ông này có vẻ giống “dị nhân” khi bỏ lại tất cả ở TPHCM, một mình đạp xe đi khắp Việt Nam chuyển thông điệp “Thanh niên nói không với ma túy”.
Võ Phú Hùng giao lưu với các bạn trẻ ở Quảng BìnhVượt hàng nghìn cây số ra đến Hà Nội, anh tiết lộ với tôi rằng để đi được như thế anh phải cần đến một loại “doping đặc biệt”…
Mê đi hơn mê vợ
Võ Phú Hùng nói thật mà nghe như đùa rằng: anh sắp xếp cho chuyến đi xe đạp khắp đất nước từ khi còn… học lớp 4. Hồi đó, Hùng học giỏi nên được cô giáo chủ nhiệm người Huế ở gần nhà chở đi học bằng xe đạp.
Cô hay giảng về tấm gương của các vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Với chất giọng xứ Huế dịu dàng, cô giáo thường kể về những danh lam thắng cảnh gắn với các di tích lịch sử theo dặm dài đất nước.
Từ các giờ học ấy, Hùng lặng lẽ ấp ủ ước mơ: lớn lên sẽ đi khắp mọi miền Tổ quốc để khám phá những vùng đất tươi đẹp và chiêm nghiệm lời cô giáo giảng.
Ước mơ đó ngày càng thôi thúc, giục giã. Hùng âm thầm chuẩn bị cho ngày lên đường một cách nghiêm túc, cẩn thận đến mức tưởng như lẩn thẩn. Anh học rất nhiều trường, từ cơ khí, điện tử, mỹ thuật, âm nhạc, võ thuật, y học… nhưng không chịu... tốt nghiệp.
Hùng giải thích: “Tôi học nhiều để sử dụng kiến thức đó trong chặng hành trình đi khắp đất nước bằng xe đạp nên không cần tốt nghiệp. Học cơ khí để sửa chữa xe đạp nếu hư hỏng dọc đường, học võ để tự vệ, học mỹ thuật để vẽ các phong cảnh đẹp…”.
Năm 1992, Hùng đạp xe lên đường thực hiện ước mơ đi khắp đất nước, nhưng đi đến Quảng Bình thì phải quay lại vì hết tiền. Lần thất bại đầu tiên đã khiến Hùng nhận ra rằng: dù đã ấp ủ dự định này mấy chục năm trời, nhưng mình vẫn chưa chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi.
Từ đó, anh làm việc cần cù hơn trong tiệm hớt tóc của mình ở quận Bình Tân để tích luỹ tiền cho chặng hành trình dang dở.
Bố mẹ lo lắng Hùng sẽ bị cuốn theo những chuyến đi mà quên… lập gia đình nên đã nài ép anh lập gia đình để “trói” chân đứa con trai ưa xê dịch. Hùng lấy vợ nhưng lại mê đi hơn… vợ.
Người vợ không “sống chung” được với dự định đi xe đạp khắp đất nước của chồng nên họ chia tay nhau khi đã có một cậu con trai.
14 năm sau chuyến đi đầu tiên dang dở, Hùng quyết định thực hiện hành trình thăm 64 tỉnh thành đất nước. Nhưng lần này anh cẩn thận đến mức đi khảo sát trước bằng xe máy.
Đi xuyên Việt rõng rã 17 ngày, Hùng trở về, vẽ một tấm bản đồ dự kiến những tỉnh thành mình sẽ qua. Anh vẽ đẹp và chuyên nghiệp đến nỗi có cảm giác tấm bản đồ được làm ra từ một Cty du lịch lớn.
Sau đó, Hùng bỏ 100 nghìn đồng mua lại chiếc xe đạp sườn ngang và chi phí hết 250 nghìn đồng để tu sửa lại cho chắc chắn. Một ngày tháng 6, Hùng gọi điện thông báo cho tôi: “Mình sắp đi rồi, và đã tìm được bạn đồng hành”.
Bạn đồng hành của Hùng là Đức Tân, tác giả tập truyện thơ “Giang hồ rẽ lối”. Đức Tân từng ngang dọc trong giới giang hồ, từng là tướng cướp khét tiếng trên tàu thống nhất Bắc - Nam, từng nghiện ma tuý nặng…
Nhưng sau đó, tướng cướp đã hoàn lương và viết một câu chuyện bằng thơ đầy sám hối kể lại cuộc đời tội lỗi của mình. Trong đó, bằng trải nghiệm của cả quãng đời lầm lạc, Đức Tân đã khuyên thanh niên tránh xa ma tuý. Võ Phú Hùng xúc động sau khi đọc “Giang hồ rẽ lối”, anh gọi điện cho tác giả chia sẻ sự đồng cảm và dự định đi xe đạp khắp Việt Nam. Đức Tân lập tức lên tàu vào TP. HCM. Anh muốn làm bạn đồng hành với Võ Phú Hùng.
Thông điệp chống ma tuý từ những vòng quay
Sau nhiều nghĩ ngợi, trăn trở, cuối cùng Hùng quyết định lấy thông điệp cho chuyến đi của mình: “Vì một xã hội giàu đẹp văn minh, thanh niên Việt Nam nói không với ma tuý”.
Võ Phú Hùng ngủ lại dọc đườngAnh bảo: “Suốt bao nhiêu năm lúc nào mình cũng mơ ước làm một điều gì đó đóng góp một phần nhỏ bé của mình để bài trừ ma tuý. Mỗi ngày sự đau xót nhân lên gấp bội, khi phải chứng kiến những cái chết, những cuộc đời tàn tạ và bao tội ác do ma tuý gây nên.
Với ước mơ về một xã hội văn minh, không ma tuý nên suốt mấy năm qua, mình liên tục tìm mọi cách liên lạc qua internet với bạn bè trong cả nước để cùng nhau cất một tiếng nói chung, một hành động chung”.
Ngày 1/6/2007, Võ Phú Hùng nhấn bàn đạp bắt đầu cuộc hành trình theo dặm dài đất nước, xuất phát từ nhà thờ Đức Bà ở TPHCM. 2 kg gạo, 3 lon đồ hộp, 1 hộp sữa đặc, 1 gói lương khô, chai nước khoáng, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, bếp ga, chăn chiếu, vài bộ quần áo, máy ảnh…
Tất cả tổng cộng 35kg cho cuộc trường chinh hàng nghìn cây số. Đến giờ chót, Đức Tân bỏ cuộc vì lý do sức khoẻ, Hùng độc hành với lá cờ trên đầu xe mang theo thông điệp chống ma tuý.
Ngày đi, đêm nghỉ, tự nấu ăn chứ không cho phép mình được vào quán xá, đối với anh như thế là “xa xỉ”. Trời tối, dù mệt mỏi rã rời, Hùng cũng chẳng chịu tìm một nhà trọ rẻ tiền ngả lưng mà dựng qua quýt túp lều bạt dưới chân núi, trên vỉa hè… để ngủ.
Anh cảm thấy may mắn khi gặp một cái nhà hoang hay lều muối của những cư dân miệt biển bỏ không, thế là an tâm đánh một giấc ngon lành đến sáng.
Người độc hành mỗi ngày nhận khoảng 100 cuộc điện thoại, 100 e-mail
Độc hành. Nhưng đi đến đâu cũng được nhiều người đón tiếp ân cần nên Hùng chưa bao giờ cảm thấy buồn và cô đơn. Một ngày trên đỉnh núi Bà Nà ở Đà Nẵng, nhìn xuống thấy toàn cảnh thành phố và màu xanh biếc vô cùng của biển lấp lóa trong nắng, Hùng và những người bạn trẻ mới quen cùng nhau nói về thông điệp chống ma tuý, về ý nghĩa của cuộc sống….
Có một người con gái Đà Nẵng xúc động trước nghị lực và tấm lòng của Hùng, đã tặng anh một chiếc áo sơ mi để anh mặc dọc đường gió bụi. Cho đến giờ Hùng vẫn chưa dám mặc tấm áo ấy vì muốn giữ để làm kỷ niệm…
Một buổi trưa Hùng nhấn bàn đạp leo đèo Hải Vân. Đèo cao, cao mãi, nắng, gió và màu xanh của biển ùa vào mắt anh. Mồ hôi đẫm ướt lưng áo, cổ họng khô cháy, đúng lúc ấy trên đỉnh dốc, một bàn tay vẫy anh và đưa ra một chai nước mát lạnh.
Tất cả những tỉnh thành đi qua, Hùng đều ghi lại hình ảnh bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số mang theo. Những hình ảnh đó được anh cập nhật liên tục trên trang website:
www.vophuhung.com.
Hùng tâm sự : “Du khách biết Việt Nam nhiều qua các biểu tượng, tôi muốn website:
www.vophuhung.com của mình là nơi cho mọi người thấy được những khung hình cận cảnh tuyệt vời của đất nước mình”. Có lẽ nhờ những bức ảnh đầy hơi thở cuộc sống theo dặm dài của mảnh đất hình chữ S mà trang web của Võ Phú Hùng tuy ra đời chưa lâu nhưng đã có lượng độc giả đáng kể.
“Mình đã đến cửa ngõ Hà Nội rồi”, Hùng gọi điện cho tôi. Nước da sạm đen vì nắng gió, chiếc xe đạp chở hành lý và gắn lá cờ ghi thông điệp chống ma tuý phủ bụi đường, anh xuất hiện lạ lẫm trên đường phố thủ đô. Chúng tôi ngồi bên quán nước vỉa hè, giọng Hùng âm vang như thể chưa trải qua một chặng đường dài hơn 2.000 km.
“Mình và chiếc xe vẫn “chạy tốt” , vẫn đủ sức để đi tiếp mấy nghìn cây số nữa”. Hùng bắt đầu kể về những kỷ niệm dọc đường đi, những tấm chân tình của người dân dọc đường khiến cho anh quên đi cái gió Lào ngược chiều trên Đèo Ngang ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh, quên đi cái nắng như đổ lửa ở Nghệ An, quên đi một đêm vừa đặt lưng ngủ ở ven rừng thì một cơn mưa bất thần đổ xuống…
Đang ngồi, chợt Hùng như sực nhớ ra điều gì, “Chờ mình một lúc nhé”. Hùng chạy qua quán internet bên cạnh. Một lúc sau, quay lại bảo: “Ngày nào mình cũng vào mạng để post những tâm ảnh của mình chụp dọc đường lên trang web vophuhung.com và đọc thư của các bạn gửi về.
Một ngày trung bình mình nhận được 100 lá thư và 100 cuộc điện thoại của các bạn khắp mọi miền đất nước lẫn nước ngoài gọi về số máy 0909438201 của mình. Họ động viên, bày tỏ sự ủng hộ đối với chuyến đi”.
Quán internet Hùng vừa vào post ảnh lên đã không lấy tiền của anh. Nhiều quán internet mà Hùng ghé qua trên đường thiên lý Bắc- Nam đều cho anh dùng miễn phí.
Đang đi trên đường Thanh Niên, một chàng trai phóng xe đến bên cạnh Hùng, nói như reo: “Ô, anh Hùng đạp xe khắp đất nước. Bọn em muốn gặp anh”.
Tối hôm đó, Hùng giao lưu với các nhóm bạn của chàng trai kia ở một quán cafe, khuya về anh trải chiếu nằm ở bãi để xe của Bệnh viện Bạch Mai trong cái nắng nóng của Hà Nội. Hùng bảo: “Mình quen như thế rồi mà. Hà Nội an ninh tốt thật đấy, xe đạp mình để không khóa mà sáng ra vẫn còn nguyên”.
Chiều hôm sau, Hùng giao lưu với các bạn trẻ trong nhóm “cộng đồng blog”, ở công viên Bách Thảo, rồi đi lên Hồ Tây, Hồ Gươm, Nhà hát Lớn chụp ảnh. Nhiều cô cậu 8X đã chụp ảnh, xin chữ ký của Hùng như thể anh là một ngôi sao.
Tôi cưỡi lến chiếc xe của Hùng đạp thử. Chỉ một lát đã thấy vã mồ hôi trên đường phố rải nhựa phẳng lì. Trong giây lát, tôi băn khoăn tự hỏi: “Chẳng hiểu người đàn ông này lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua những con đèo như Đại Ninh, Cù Mông, Đèo Ngang, Hải Vân rồi Pha Đin?”.
Và tôi đã có câu trả lời khi Hùng bảo: “Mình thấy vui vì chuyển được thông điệp “thanh niên Việt Nam nói không với ma tuý” đến với các bạn trẻ khắp mọi miền đất nước và được mọi người đón nhận. Đó là liều đô-pinh đặc biệt giúp mình quên hết mệt nhọc.
Nếu điều kiện cho phép mình còn định đạp xe qua ba nước Đông Dương và khắp thế giới để chuyển những thông điệp tốt đẹp của Việt Nam tới bạn bè quốc tế”. Võ Phú Hùng vẫy tay chào tôi, nhấn bàn đạp.
Phùng Nguyên

( Theo báo Tiền Phong)
Thi... hôn dưới nước!
TTO - Một cuộc thi "có một không hai" vừa được tổ chức tại thành phố du lịch Riccione ở Adriatic (Ý) ngày 8-7: các đôi "thí sinh" nam và nữ thi hôn nhau lâu nhất dưới nước.
Cuộc thi thu hút nhiều đôi tham dự, với chiến thắng thuộc về đôi bạn trẻ Claudia Petazzoni và Fidel Rios.
Một đôi "thí sinh" tham gia cuộc thi trong sự cổ vũ của đông đảo "khán giả"
Hai người chiến thắng: Claudia Petazzoni (trái) và Fidel Rios
Lakshmi và... ngẫu hứng VN
TT - Trẻ trung trong bộ đồ truyền thống của Ấn Độ, Lakshmi chạy qua lại trong tiếng cười giòn tan. 14-4 vừa qua ( 27-2 âm lịch) là ngày Lakshmi có niềm vui “kép”: ngày tết của người Ấn Độ và cũng là buổi ra mắt đầu tiên những bức tranh sơn dầu mà Lakshmi đã vẽ bằng niềm đam mê mạnh mẽ suốt 15 năm qua.
Thú vị hơn, với Lakshmi, buổi giới thiệu tranh chính là ý tưởng của những người bạn nhỏ - những sinh viên trong câu lạc bộ Hot Pot của khoa Đông phương, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, ngay tại sảnh C của trường.
Có một bằng tiến sĩ ngành quản lý cộng đồng, Lakshmi đang học dở một bằng tiến sĩ về nghiên cứu cộng đồng nữa thì lập gia đình. Chồng của Lakshmi là một chuyên gia về dầu khí - chất đốt, thường xuyên phải di chuyển tới nhiều nước, Lakshmi cùng chồng và hai con sang VN được năm năm. Trong 100 bức tranh Lakshmi đã vẽ suốt 15 năm thì có tới 50 bức tranh vẽ ở VN. Lakshmi cũng đã cố gắng tìm hiểu về nghệ thuật vẽ trên gốm sứ ở VN và có những tác phẩm mà cô rất thích thú, dành nguyên một góc trang trọng trong buổi giới thiệu tranh đầu tiên của mình.
Người xem thích thú thật đặc biệt với những góc nhìn rất “ngẫu hứng” của Lakshmi. Đó là những bức vẽ về Sài Gòn... xích lô, Sài Gòn... motobike (ảnh)... Những mảng màu lặng lẽ nhưng vẫn không kém phần gấp gáp, náo nhiệt của chiếc xích lô lặng lẽ giữa những tòa cao ốc. Hài hước với chiếc motobike (xe gắn máy) đa năng: có thể chở rất nhiều đồ vật cồng kềnh, từ tủ lạnh, bình gas, những chậu hoa to bự chảng...
Tuy nhiên, bức tranh Lakshmi thích nhất là bức cô chỉ vẽ trong...15 phút. Đơn giản bởi nó chỉ có duy nhất là màu xanh. Cô muốn gợi những nét tươi mới về đất nước nhiệt đới đầy cuốn hút và bí ẩn qua hình ảnh chiếc xe thổ mộ và cô gái VN cổ điển trong tà áo dài thấp thoáng...

Linh Văn
Một ngày thật chán ...
Sáng: Lu bu dậy, chẳng làm được gì. Lịch đã lên rùi mà tự nhiên chán, chẳng muốn làm gì cả. Ngồi một chỗ, chịu hông nổi, bay wa tòa xem xử án, biết đâu có gì hay để viết. Ui chao! Vẫn như mọi ngày, giết người, cướp giật, phá rối...chai cảm xúc trước những lời định tội. Ngồi "ăn vạ" trước cổng tòa vì không muốn lê chân bước, chợt thấy một người phụ nữ ( suýt nữa mình đã gọi bằng chú!) ngồi lạnh lùng nhìn ra cổng đợi chiếc xe bít bùng của cảnh sát. Hỏi, bà ta hỏi lại: " Nhà báo à? Báo công an đưa tin rồi, phá hoại tài sản an ninh quốc gia!". Mình hơi choáng. Bà tiếp: "Kệ, ai thích làm gì thì làm, tui chỉ mong gặp thằng nhỏ!". Coi vậy mà người mẹ ấy rất dễ xúc động. Chiếc xe bít bùng vừa dừng bánh, bà ta đứng phắt dậy, nhảy loi choi tìm con trong đám bị cáo bị dẫn giải. Vừa thấy thằng bé, sinh năm 1989, bà òa khóc. Bảo với mình: "Nó đi theo mấy thằng bạn, cắt dây điện, được hơn trăm ngàn, sửa cái xe là hết!". Mình giữ bà lại vì bà cứ cố chạy theo mấy anh cảnh sát nhìn con, dù họ đã dùng dùi cui ngăn lại. Bà chạy theo, tay vẫn nắm chặt tay mình, mình giữ k nổi, cũng bị kéo theo...Nỗi đau của người mẹ bất lực như lan tỏa sang mình. Bà kể: "Ba nó bỏ nó từ lúc 3 tháng tuổi, học đến lớp 6 thì tui ốm, phải ở nhà, nó giúp tui nhiều lắm, phụ làm bún bán ở chợ Củ Chi...". Bà còn kể rất nhiều...Chân mình đã lóng ngóng muốn theo bà vào phiên tòa, nhưng hình ảnh đống bài bị gác như ngăn mình lại. Viết, chỉ để đấy. Vào dự tòa, thêm một nỗi nặng lòng. Mình di chân trên những viên gạch của sân tòa. Mưa ào ào. Thế là chạy mưa. K lãng mạn kiểu Hàn Quốc được, ốm nữa thì chán hơn. Về tòa soạn, mưa vừa hay ngớt. Kì cục! Thế là ngồi viết, vì chẳng có gì làm. Ôi! Thực tập sinh báo chí! Thật buồn!
LÊ LA.
Giàn hoa giấy ngày xưa

- Bây giờ thì cảm xúc về anh trong tôi đã lắng lại thành một khối, tôi cũng không biết là nỗi nhớ hay nỗi đau nữa, chỉ thấy tim mình nhói lên một nhịp mỗi khi bắt gặp màu hoa ấy, chỉ bởi vì tôi đã quá yêu anh...
Tình yêu đến với tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên, thật nhẹ nhàng và êm ái, vào buổi sáng hôm ấy, tôi chuyển từ chỗ trọ cũ sang khu nhà tập thể gần trường để tiện đi lại.
Đang loay hoay với đống đồ đạc chưa biết phải tính sao thì anh xuất hiện. Không biết vì anh luôn tốt bụng nhiệt tình vói mọi người hay vì anh bỗng thấy thương cô bé sinh viên nhễ nhại mồ hôi với đủ thứ lỉnh kỉnh phải lên tận trên tầng 4, anh sốt sắng tay xách túi, vai mang hòm sách giúp tôi ngay. Lên trên nhà, tôi mời anh vào nhà chơi nhưng anh chỉ cười, nháy mắt và bảo tôi: "Chào cô bé hàng xóm".
Chỉ thế thôi, nhưng từ lúc đó trái tim dại khờ của tôi đã in đậm hình ảnh của chàng hoàng tử trong chiếc áo pull xanh da trời với nụ cười và ánh mắt hút hồn tôi, ánh mắt ấy sâu thẳm hàm chứa một sức hút mãnh liệt mà tôi không thể ngờ nó sẽ đeo bám theo tôi cả quãng đời còn lại. Tôi đã yêu anh như thế.
Bên anh, tôi cảm giác cuộc sống của mình thật đủ đầy, tôi hạnh phúc đến nỗi dù làm việc gì tôi cũng thường trực hình ảnh của anh, giọng nói của anh, ánh mắt của anh, và cả hơi thở của anh trong đó. Bên anh, mọi nỗi sợ hãi và lo lắng của tôi đều biến mất nhường chỗ cho sự tự tin, nồng nhiệt và yêu đời. Bên anh, tôi như trở thành một người khác, luôn rạo rực một sức sống và niềm tin vào cuộc đời.
Tôi yêu những khoảnh khắc được ngồi bên anh dưới giàn hoa giấy ngoài lan can mỗi đêm, nghe anh thủ thỉ những câu chuyện không đầu không cuối. Mỗi buổi sáng, "chuông báo thức" của tôi chính là tiếng huýt sáo của ô cửa sổ dãy nhà đối diện, anh đứng đó, mỉm cười nhìn tôi choàng dậy khỏi giường. Cả ngày hôm ấy tôi sẽ tràn trề sức lực để học như điên mà không biết mệt. Tôi thích cái cảm giác nhồn nhột khi anh cọ râu vào má tôi, khi ấy dù có hờn giận đến đâu cũng không thể không bật cười và "xí xóa cho anh nhé cô bé"... Tôi đã yêu anh như thế.
Cho đến một ngày, ngày tôi không bao giờ muốn nhớ lại ấy, nửa trái tim của anh trở về. Nửa trái tim của anh về trong kỳ nghỉ đông sau một năm du học ở xứ người. Tôi ngỡ ngàng, tôi không thể tin vào những gì đang diễn ra ngay tại cái cầu thang khi xưa quen anh, ngay dưới vòm hoa giấy vẫn hồng dịu dàng mỗi đêm và ngay cả khung cửa sổ đối diện mà tôi đã thuộc từng bản lề thớ gỗ...
Anh và người ấy quấn quýt bên nhau, âu yếm nhìn nhau ngay trước mắt tôi, người mà anh giới thiệu là em gái cùng xóm. Hai người thật xứng đôi vừa lứa, tôi mừng cho anh, mà sao thấy lòng mình đau quặn, lồng ngực cứ nghẹn lại không sao thở được. Nửa trái tim của anh đó, thật xinh đẹp và hồn nhiên, còn tôi có là gì, chỉ là một bản sao nhòe nhoẹt lấp chỗ khi vắng bóng, cho lòng anh khỏi những phút lâng châng...
Tôi cay đắng nhận ra từ trước tới nay anh chưa từng nói lời yêu tôi, chưa từng hứa hẹn điều gì, chỉ có tôi tự xây lâu đài tình ái cho mình mà thôi. Với anh, tôi là một trò chơi, nhưng với tôi, anh là tất cả. Tôi đã yêu anh như thế.
Bỏ lại tất cả sau lưng, tôi chuyển nhà đi thật xa để chạy trốn khỏi quá khứ, chạy trốn nơi êm đềm những kỷ niệm xưa, và chạy trốn cả ý nghĩ về một thứ bong bóng tình yêu anh đã gieo vào đời tôi. Vẫn giàn hoa giấy kia, vẫn đẹp nồng nàn và quyến rũ, hoa không có lỗi, chỉ có con tim bé nhỏ của tôi là có lỗi vì đã trót khắc sâu một mối tình. Tôi đã yêu anh như thế
.
Linh Văn

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2007

tu truyen Nguyen Hong Cong

Tự truyện Nguyễn Hồng Công: “ Sống là tin và yêu…”
Chưa từng viết văn nhưng bằng những chất liệu từ chính cuộc đời mình, cô gái bệnh nhân của xóm chạy thận nghèo của Bệnh viện Bạch Mai đã viết cuốn tự truyện “ Khát vọng sống để yêu” trong những ngày đang sống với căn bệnh thận giai đoạn cuối.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nguyễn Hồng Công- tác giả cuốn tự truyện “ Khát vọng sống để yêu”.
PV: Ý tưởng nào đã khiến công viết “ Khát vọng sống để yêu” ?
Nguyễn Hồng Công: Sống là để lại, để tin và yêu…Mẹ rất hay khóc và không lạc quan như tôi. Mẹ có một sạp rau nho nhỏ ở cái phố cóc Lạng Giang của tỉnh Bắc Giang. Buồn và ảm đạm. Những ngày khỏe, tôi vẫn tranh thủ về thăm mẹ. Tôi viết sách vì muốn để lại 1 điều gì đó, một nét nghĩ, một nét đời…cho mẹ và cho những ai đang sống, để tin và yêu…”.
PV: Trong tự truyện, Công viết rất nhiều về cuộc sống của mình và những bệnh nhân ở xóm chạy thận Bạch Mai. Tại sao vậy?
Nguyễn Hồng Công: Tôi trở thành “công dân” thường trú ở xóm chạy thận của Bệnh Viện Bạch được 10 năm nay.Cũng như tôi, những bệnh nhân của xóm đang sống với căn bệnh thận vào giai đoạn cuối. Xóm toàn những bệnh nhân nghèo, cực nghèo, phải vừa làm vừa kiếm sống, kiếm tiền để trị bệnh. Và cũng là để tìm niềm vui, để tin, yêu mà sống. Xóm chạy thận của bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội với những thân phận, những số phận đã được lập trình bằng những chiếc máy lọc máu nhân tạo. Hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn mưu sinh bằng đủ thứ nghề: bán nước, bán bánh mì, bán báo, gia sư…Công muốn chia sẻ với họ những suy nghĩ của mình và cũng muốn từ cuốn sách của mình, mọi người có thể hiều thêm về cuộc sống hiện tại của những bệnh nhân trong xóm.
PV: Những chương cuối của sách, Công viết rất nhiều về tình yêu và một đám cưới trong mơ. Tại sao lại là “ trong mơ” ?
Nguyễn Hồng Công: Mình đã có một mối tình để yêu và để nhớ. Nhưng tất cả đã qua và bây giờ mình đang đối diện với một cuộc sống mới. Nhưng những kỉ niệm đó là những giây phút thật đẹp để mình tin, yêu và sống, trong căn nhà trọ cấp 4 tuềnh toàng, trống trải lẫn trong những tiếng rao bán nước, bánh mì,…của hàng xóm. Mình thật hạnh phúc vì đã yêu và được yêu. Những tấm ảnh cưới đó chỉ có một mình cô dâu. Nhưng tại sao lại không chứ? Sống là tin, yêu và khát vọng. Dù thế nào thì cũng phải luôn mỉm cười vì cười sẽ xinh hơn, vui hơn, yêu đời hơn…
PV: Vừa phải kiếm tiền để sống, vừa phải chạy thận hàng ngày, Công đã viết sách vào những lúc nào?
Nguyễn Hồng Công: Công viết bất kì lúc nào rảnh, khi trên xe buýt, những đêm trằn trọc không ngủ được, có khi ngay trong lúc đang chạy thận, mình nghiêng qua một bên và viết vào sổ khám bệnh. Đêm Noel 2006, Công đang viết thì gục xuống, ngỡ đã “ đi”, nhưng qua 4 lần cấp cứu, lại gượng dậy và viết. Cuốn sách là điều Công muốn dành cho mẹ. 360 ngày, chỉ một ngaỳ dành cho mình, còn lại là cho mẹ. Mẹ vẫn yếu đuối và hay khóc, ở cái chợ nghèo của phố huyện cũng nghèo, ảm đạm…
PV: Và điều mà Công muốn gửi gắm qua gần 400 trang sách?
Nguyễn Hồng Công: Công muốn tất cả những người đang sống như mình hãy cố gắng lên, lạc quan và sống thật có ý nghĩa cho mình, cho những người mà mình yêu thương.
Box: Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết: “ Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra”. Nguyễn Hồng Công đã tự đi tìm câu trả lời về hạnh phúc: “ Cười sẽ vui hơn, xinh hơn và yêu đời hơn…”. Cuốn tự truyện “ Khát vọng sống để yêu” của Nguyễn Hồng Công vừa được NXB CAND ấn hành vào 12.06.2007. Trong chương cuối của cuốn tự truyện, Nguyễn Hồng Công viết: “ Người với người sống để yêu nhau…”. Đó cũng là ước mơ cuối cùng trong cuộc đời của Nguyễn Hồng Công - ước mơ được chia sẻ với những người bạn ở xóm nhỏ có 200 con người của xóm bệnh nhân chạy thận nghèo vẫn ngày ngày trực diện với cuộc đời bằng khát vọng sống để tin và yêu.

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....

Ống kính nhỏ! ống kính nhỏ....
28/7/07

Riêng một góc trời

Riêng một góc trời

Phố mùa đông....

Phố mùa đông....
Thành Nam Xuân 2007

Giàn hoa giấy ngày xưa

Giàn hoa giấy ngày xưa